Cuộc đời Hiếu_Đức_Hiển_Hoàng_hậu

Cận chân dung Hiếu Đức Hiển Hoàng hậu Tát Khắc Đạt thị.

Hiếu Đức Hoàng hậu sinh ngày 1 tháng 3 (âm lịch) năm Đạo Quang thứ 21, xuất thân từ gia tộc Tát Khắc Đạt thị (薩克達氏) thuộc Mãn Châu Tương Lam kỳ, một gia tộc tầm trung có ở toàn bộ Bát kỳ, song phân bố chủ yếu tại Tương Lam kỳ.

Tằng tổ phụ Minh Sơn (明山), giám sinh xuất thân, những năm cuối Càn Long lấy Bút thiếp nhập sĩ, đời Gia Khánh từ Án sát, Bố chính phủ đến Tuần phủ Quý Châu, Văn Quý Tổng đốc, nhậm bộ Hình Thượng thư thời Đạo Quang năm đầu. Tổ phụ Kỳ Xương (祺昌), làm đến Viên ngoại lang bộ Binh. Phụ thân Phú Thái (富泰), làm Thái Thường tự Khanh. Tằng tổ mẫu Khố Nhĩ thị (庫爾氏), tổ mẫu Na Lạp thị, gia thế không rõ, nhưng mẹ bà là Quận chúa, con gái thứ ba của Trịnh Thận Thân vương Ô Nhĩ Cung A, có thể thấy dòng dõi bà sớm đã tiến vào hôn nhân với nhà các thế gia Mãn Châu.

Trong nhà bà không thấy ghi nhận có nam duệ, chỉ biết bà có một em gái về sau gả cho Phụng quốc Tướng quân Phổ Thiện (溥善) thuộc Hòa vương phủ hệ. Do không có con trai, người trong họ đưa cháu Đức Mậu (德懋) làm kế tự.

Căn cứ Đại Thanh Hoàng tử thành hôn lệ thường, Tát Khắc Đạt thị hẳn được chọn vào tầm năm Đạo Quang thứ 27 (1847) mùa xuân hoặc mùa hạ, do chính Đạo Quang Đế tuyển chọn, khi đó bà 16 tuổi, phù hợp lứa tuổi thành hôn. Ngày 25 tháng 10, mùa đông, Tát Khắc Đạt thị cùng Hoàng tứ tử Dịch Trữ, con trai thứ tư của Đạo Quang Đế làm lễ đính hôn. Sang năm sau (1848), ngày 27 tháng 2, Tát Khắc Đạt thị chính thức được gả cho Dịch Trữ, nghiễm nhiên trở thành Đích Phúc tấn.

Căn cứ [Thanh cung y án] ghi lại, Tát Khắc Đạt thị vào cung vừa tháng 2, thì ở tháng 8 liền mắc phong hàn mạo cảm. Sang năm tháng 4, lại thấy chứng phong thấp xuất hiện nhiều. Tời tháng 8 thì thân thể đã rất hư nhược. Vào đầu tháng 12 thì bệnh tình chuyển biến tốt hơn, ghi lại:“Từ viên đến sở nội, thần khí đều hảo, tứ chi cũng có thể di động chuyển, duy khí huyết thượng nhược, có khi ho khan.”. Thế nhưng đột nhiên vào ngày 10 tháng đó, suy yếu chịu phong, lại lần nữa không khoẻ, sang ngày 11 lại cảm thấy khá tốt rồi cuối cùng vào ngày 12 bệnh chuyển nặng và bạo vong. Có học giả chuyên môn từng phân tích y án này, cho rằng đây là biểu hiện của bệnh gan trường kỳ.

Năm thứ 29 (1850), ngày 12 tháng 12 (tức ngày 24 tháng 1 năm 1851), giờ Tỵ, Tát Khắc Đạt thị đột ngột qua đời khi chỉ mới 19 tuổi và không có người con nào với Dịch Trữ. Ngày 18 tháng 12 (âm lịch), quan tài của bà phụng di Điền thôn để tạm an.